Ông Hoàng Nam Tiến: Tầng lớp có kinh nghiệm, trình độ vẫn có thể bị mất việc bởi AI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo ông Hoàng Nam Tiến, tầng lớp đã có kinh nghiệm, trình độ, tinh thần làm việc tốt vẫn có thể bị mất việc bởi AI. Tuy nhiên, AI không thay thế con người. Chính những người biết sử dụng AI sẽ thay thế nhóm còn lại.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT.

AI có khả năng tự sinh ra dữ liệu

Tại hội thảo “AI và Quản trị doanh nghiệp” do Viện Quản trị & Công nghệ FSB (thuộc Đại học FPT) tổ chức, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng và đặc biệt là trước sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), trách nhiệm của người lãnh đạo là cao nhất.

Trao đổi về ứng dụng AI hiệu quả, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng, việc đầu tiên là phải đi học, có thể các chương trình đào tạo ngắn hoặc dài. “Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu về công nghệ. Cụ thể công nghệ ở đây là trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn”, ông Tiến nói.

Điều quan trọng và khó nhất trong ứng dụng AI ở cả doanh nghiệp lớn và nhỏ là thay đổi tư duy lãnh đạo. Nếu không thay đổi được tư duy của người lãnh đạo thì chỉ có thể thay đổi lãnh đạo.

Theo phân tích của ông Tiến, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng khi triển khai các dự án về AI. Sự thay đổi hay ứng dụng mới có thể mang tới nhiều khó khăn, nên nếu người lãnh đạo chỉ giao việc này cho trưởng phòng công nghệ thông tin mà không tham gia trực tiếp, nguy cơ thất bại sẽ cao.

"Lãnh đạo giao cho trưởng phòng phụ trách việc ứng dụng AI thì chắc chắn thất bại. 70% dự án AI, dữ liệu lớn thất bại là lãnh đạo giao cấp dưới”, ông Hoàng Nam Tiến nói.

AI là tương lai trong vòng không quá 10 năm tới. Trước đây, các hệ thống AI sử dụng toàn bộ dữ liệu do con người làm ra. Nhưng gần đây, AI đã có khả năng tự sinh ra dữ liệu, thuật toán và sẽ có khả năng tự quyết định hành động. Nhiều khi kết quả của Chat GPT vô cùng bất ngờ ngay cả với người lập trình ra nó.

a-16914934795361255573076.jpg
Người dùng phải có đủ kiến thức để sử dụng công cụ, không nên sử dụng công cụ AI để thay thế tư duy của mình.

Theo quan điểm của ông Tiến, tầng lớp đã có kinh nghiệm, trình độ, tinh thần làm việc tốt vẫn có thể bị mất việc bởi AI. Tuy nhiên, AI không thay thế con người. Chính những người biết sử dụng AI sẽ thay thế nhóm còn lại.

Đứng trước tình thế đó, chúng ta sẽ làm gì? Không nên dùng cách “bế quan tỏa cảng” không dùng AI, không học AI vì e ngại rằng mất nhân văn, cướp việc của người lao động. Thay vào đó, các nhà quản lý, lãnh đạo cần phải dám thay đổi. Quản trị được sự thay đổi là điều vô cùng quan trọng.

"5 tiêu chí của nhà lãnh đạo tương lai gồm: Tư duy hợp nhất giữa AI với con người; Tư duy dự báo; Tư duy dẫn dắt, huấn luyện; Tư duy thích ứng linh hoạt; Trí tuệ xúc cảm mới (EQ)", ông Hoàng Nam Tiến nói.

Người dùng ChatGPT chịu trách nhiệm cuối cùng

Nhận xét về cách doanh nghiệp Việt đang ứng dụng AI hiện nay, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng các doanh nghiệp đang quá lạm dụng các hệ thống AI.

Dẫn thực tế việc các kỹ sư phần mềm lấy yêu cầu của khách hàng dán lên ChatGPT để nhận đoạn code; nhân viên lấy báo cáo tài chính của công ty lên ChatGPT để có báo cáo xuất sắc; hay sinh viên, học sinh làm bài tập, kể cả đồ án, báo cáo khoa học bằng ChatGPT, vị lãnh đạo kỳ cựu của FPT cho rằng những điều tưởng như bình thường này lại vô cùng nguy hiểm vì để lộ dữ liệu rất lớn.

"Các dữ liệu nhạy cảm phải xây dựng những nền tảng về ngôn ngữ lớn riêng cho mình. Việt Nam chưa có luật pháp về AI. Luật pháp bao giờ cũng đi chậm hơn thực tiễn cuộc sống. Nhưng cần đặt vấn đề nghiêm túc ngay từ bây giờ", ông Tiến nêu quan điểm.

-9125-1691663794.jpg
Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty FPT Smart Cloud.

Cùng quan điểm với ông Hoàng Nam Tiến, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty FPT Smart Cloud cho rằng Việt Nam đã có chiến lược AI quốc gia, nhưng các vấn đề đạo đức, hành lang pháp lý AI thì chưa có. Trên thế giới cũng đang có nhiều tranh cãi khác nhau. Các nước thường đưa ra nguyên tắc, nguyên lý AI để tuân theo.

Để ứng dụng AI hiệu quả, ông Việt cho rằng, đầu tiên phải tuân thủ độ sạch về dữ liệu, kiểm soát dữ liệu dùng để đào tạo AI. Không thể đưa dữ liệu, tài liệu không được kiểm chứng độ chính xác vào để đào tạo AI. Người sử dụng kết quả là người chịu trách nhiệm cuối cùng, không thể đổ tại ChatGPT.

Thứ hai, khi sử dụng AI tạo sinh (generative AI), có khái niệm ảo giác. AI tạo sinh có thể sinh ra 1 đoạn văn chúng ta đọc logic, nhưng sai sự thật. Vì thế người dùng cần có hành lang để đảm bảo đường tàu chạy. Thông tin ra khỏi hành lang thì hệ thống từ chối trả lời, hoặc hệ thống trả lời chung chung nhất để không bị ảo giác đánh lừa cảm nhận.

Bàn về những sai lầm nào trong việc sử dụng AI của lãnh đạo doanh nghiệp, ông Lê Hồng Việt, sai lầm lớn nhất trong ứng dụng AI là không ứng dụng AI. AI là thứ bây giờ không thể không có. Tự loại khỏi cuộc chơi sẽ trở thành sai lầm lớn nhất. Khi bắt đầu ứng dụng rồi thì cần có đối tác phù hợp. Ứng dụng AI bây giờ khá dễ và rẻ. Công ty 1 – 2 người cũng có thể ứng dụng AI.

“Thường hay mắc sai lầm là những lãnh đạo dự vài hội thảo, đọc vài cuốn sách, đã cho rằng mình hiểu và quyết định ứng dụng AI. Lãnh đạo khi quyết định ứng dụng AI vào việc bán hàng, marketing… thì phải cần chuyên gia, đối tác thật sự xứng đáng. Lãnh đạo cần đi học nhiều, gặp chuyên gia nhiều. Thầy giỏi bây giờ phải là chiến tướng giỏi”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.